Mức giá trên được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới, đảm bảo lợi ích hài hoà giữa các bên.
Bộ Công Thương đang xây dựng dự thảo liên quan đến cơ chế giá cho điện mặt trời áp mái với mức giá dự kiến giảm mạnh và ban hành trong tháng 3 này. Theo đó, giá điện mặt trời áp mái chỉ còn 5,2 – 5,8 cent/kWh với từng loại công suất dự án.
Liên quan dự thảo giá mới cho điện mặt trời áp mái, ông Hoàng Tiến Dũng – Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết:
Giá điện mặt trời áp mái đảm bảo hài hoà lợi ích
Thưa ông, dự thảo đưa ra mức giá giảm khá sâu so với giá FIT hiện nay – liệu có khuyến khích được các nhà đầu tư, hộ gia đình tham gia lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà?
– Trong thời gian vừa qua, giá thiết bị phục vụ cho việc lắp đặt điện mặt trời áp mái giảm nhanh, hiệu suất tấm pin cao hơn nhiều và cho nhiều điện hơn, nên mức giá này được tư vấn đánh giá vẫn mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư và sản xuất một phần điện để bán lên lưới.
Còn đối với nhà đầu tư – đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ tiêu dùng thì giá này rẻ hơn nhiều so với giá mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Mục đích để phát triển đúng hướng, tức khuyến khích người dân, doanh nghiệp lắp đặt để tự dùng, thay vì tình trạng ồ ạt lắp điện áp mái để hưởng giá cao khi đẩy hết công suất lên lưới.
Như ông nói, cơ chế này sẽ khuyến khích các hộ gia đình đầu tư lắp đặt và sử dụng điện mặt trời áp mái, thế còn “cá mập” muốn đầu tư trong lĩnh vực này thì sao?
– Điện mặt trời nói chung được khuyến khích phát triển trong thời gian tới. Trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, đơn vị lập quy hoạch vẫn dự kiến đến năm 2030 sẽ có khoảng 25.000-26.000 MW nguồn công suất điện mặt trời, nghĩa là mỗi năm tăng khoảng 1.000 MW.
Cơ sở nào để đưa ra giá điện mặt trời áp mái là 5,2 – 5,8 cent/kWh, thưa ông?
Mức giá được xây dựng trên cơ sở cơ quan tư vấn nước ngoài nghiên cứu, đánh giá về sự thay đổi, phát triển của năng lượng tái tạo, giá thiết bị điện mặt trời ở Việt Nam và trên thế giới.
Đồng thời dựa trên các tính toán từ chi phí đầu tư, chi phí vận hành sửa chữa của hệ thống điện, chi phí lắp đặt, tính cả chi phí vay vốn, chi phí đấu nối và đời sống của dự án trong vòng 20 năm.
Mức giá này có lợi cho nhà đầu tư hay bên mua điện?
– Mức giá này đảm bảo hài hoà lợi ích của cả nhà đầu tư và đơn vị mua điện. Với mức giá này, nhà đầu tư đã có hiệu quả kinh tế rồi.
Còn Nhà nước cũng có lợi vì có được giá điện hấp dẫn, là điện sạch, môi trường sạch, góp phần cung cấp điện năng cho đất nước, giảm áp lực đầu tư lưới điện, truyền tải và phân phối điện.
Sẽ áp dụng đấu thầu điện mặt trời
Nêu quan điểm về cơ chế giá mới, một chuyên gia cho rằng, nên chuyển sang cơ chế FiT 3, theo hướng thấp đi từ 6,7 đến 6,9 UScents/kWh, ông nghĩ, mức giá này có khả thi?
– Đứng trên quan điểm của nhà đầu tư thì… rất khả thi. Tôi cho rằng, đây là dự báo, ý kiến của chuyên gia thôi, chưa có một tính toán nào cụ thể cả.
Thưa ông, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng “giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xử lý và thực hiện”, về vấn đề này, ông có ý kiến như thế nào?
– Trừ điện mặt trời mái nhà vẫn áp dụng cơ chế giá cố định thì điện mặt trời nổi, điện mặt trời trên mặt đất sẽ phải áp dụng cơ chế đầu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.
Chúng tôi đang nghiên cứu, soạn thảo, thực ra đã hoàn thành rồi và đang chờ các chuyên gia, bộ ngành cùng thảo luận, trao đổi, cho ý kiến. Dự kiến dự thảo sẽ ban hành trong nửa đầu năm nay.
Nguồn: Báo Lao Động